Trước tiên, xin mời các thầy cô và các bạn sinh viên tham khảo bài viết của thầy Nguyễn Quốc Toàn trên Vnexpress:
Trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã nói: “cách dạy, cách học, cách thi ngoại ngữ của Việt Nam không giống ai trên thế giới”, “trò phát âm chuẩn, cô chê” và thế là có hàng loạt trao đổi liên quan đến việc dạy tiếng Anh, đặc biệt là phát âm, được chia sẻ.
Theo tôi chuyện học và dạy tiếng Anh của người Việt “không giống ai” vì chúng ta đang tồn tại một số định kiến rất sai lầm.
Định kiến lớn nhất đó là “cần phải phát âm chuẩn”. Đã bao năm nay, cả nền giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam bị ám ảnh mê muội bởi cái chuẩn là chúng ta phải phát âm theo giọng Anh hoặc Mỹ. Chúng ta tự hào khi con mình nói giọng Anh - Mỹ và khoái trá chê con người khác; tán đồng khi con “cười sằng sặc” nói thầy cô phát âm không ”chuẩn”. Ám ảnh phải nói “chuẩn” đã gây ra không biết bao tốn kém.
Bạn đâu cần phải phát âm chuẩn giọng “Anh – Mỹ” thì mới làm được việc. Tại Mỹ hàng năm có hàng trăm nghìn người nhập cư đến từ khắp nơi trên thế giới, những nước mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ, như Italy, Hà Lan, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Có hàng nghìn giáo sư, bác sĩ, luật gia xuất chúng, những nhà khoa học được giải Nobel, họ đều nói giọng không “chuẩn”. Bạn đã đến Liên Hiệp Quốc, Ngân hàng Thế giới chưa? Bạn đã nghe hàng trăm giọng phát âm tiếng Anh, mỗi người một kiểu chưa? Ấy thế mà những nơi đó tập trung những kinh tế gia, nhà ngoại giao hàng đầu thế giới hàng ngày làm việc với nhau đấy.
Đã bao giờ bạn thấy một người Singapore, Philippine hay Ấn Độ xấu hổ và mặc cảm vì nói tiếng Anh không giống giọng “Anh Mỹ” chưa? Những đất nước đó có hàng triệu, hàng trăm triệu đến hàng tỷ dân nói và sử dụng tiếng Anh thành thạo mà chả ai qua tâm đến giọng của người kia giống Anh/Mỹ hay không? Cả thế giới kính trọng Lý Quang Diệu của Singapore, say mê những kiến giải kinh tế học của Amartya Sen (nhà kinh tế học Ấn Độ được giải Nobel), có ai quan tâm là họ nói tiếng Anh không giống giọng Anh - Mỹ không?
Mỗi đất nước, con người, dân tộc có một phương ngữ, chất giọng khác nhau. Tại sao lại cứ khăng khăng bắt người ta phải nói giọng Anh, giọng Mỹ. Ngay cả ở Mỹ, những người Mỹ da đen cũng có cách phát âm riêng mà không ai phán xét họ cả. Chúng ta chưa bao giờ bắt người Nghệ An, người miền Tây phải nói giọng Bắc thì tại sao lại cứ mong con mình phải nói như những ông Tây? Hãy tìm ở Việt Nam mà xem, có bao nhiêu người thực sự phát âm được giống giọng “Anh Mỹ”? Tôi dám đặt cược là không quá con số nghìn.
Ám ảnh phải nói “chuẩn” gây ra sự tốn kém rất lớn khi học tiếng Anh. Thay vì học với cô thầy giỏi người Việt, chúng ta tốn rất nhiều tiền học với “tây” và làm mọi cách để phát âm cho “chuẩn”. Đành rằng học với “tây” thì phản xạ sẽ tốt hơn, nhưng chi phí sẽ đắt gấp 2-3 lần. Và ám ảnh ấy sẽ mãi là một vòng luẩn quẩn vì chừng nào chúng ta không học bằng tiếng Anh liên tục từ nhỏ, không sống một thời gian dài tại Anh, Mỹ thì phần lớn chúng ta cũng không thể nào phát âm “chuẩn” được.
Tôi từng là một học sinh chuyên Anh tại một trường trung học nổi tiếng Hà Nội, đã học đại học tại Australia, làm tiến sĩ tại Mỹ, tham gia học, dạy và làm việc ở các môi trường nói tiếng Anh, tổng cộng hơn 24 năm sử dụng tiếng Anh. Đến bây giờ tôi vẫn không nói tiếng Anh có giọng Anh Mỹ và tôi cũng chưa bao giờ mặc cảm vì điều đó. Các bậc thầy và đồng nghiệp đáng kính của tôi đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, Italy, Ấn Độ, Hàn Quốc, Rumani. Ai cũng nói tiếng Anh lơ lớ, thậm chí còn khó nghe. Nhưng họ đều rất thành công.
Một trong những thầy hướng dẫn luận văn tiến sĩ của tôi là một người Anh gốc Ấn. Bà sinh ra ở Anh, học đại học tại Cambridge và làm tiến sĩ tại Yale, những đại học lừng danh nhất trên thế giới, và làm ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ấy thế mà bà vẫn nói tiếng Anh theo phương ngữ Ấn Độ, theo văn hóa Ấn Độ. Và bà rất tự hào về điều đó.
Mặc cảm nói tiếng Anh không “chuẩn” một phần phản ánh tư duy “nhược tiểu”, luôn coi mình không bằng với Tây Âu, cảm thấy mình thấp kém, lấy việc giống “tây” làm một phần thước đo giá trị. Tôi chắc không có đất nước nào ngoài Việt Nam lại có khái niệm tiếng “bồi”, nghĩa là tiếng Anh (của bồi bàn) không phát âm chuẩn, thiếu văn phạm.
Vậy phát âm “chuẩn Mỹ Anh” có tốt gì không? Xin thưa là không có bất cứ một lợi ích gì hơn so với việc phát âm để nghe được, hiểu được, dùng được cả. Còn cái hại của việc sợ phát âm không “chuẩn” sẽ là vô số: Nó sẽ dẫn đến mặc cảm, tự ti khi học tiếng Anh để rồi mãi không học được; nó sẽ dẫn đến việc tốn kém khi cứ đầu tư suốt vào việc kiếm thầy bản ngữ để học rồi ba bữa lại quên vì mình làm sao mà phát âm đúng giọng được. Nó cũng gieo vào đầu bao thế hệ tư duy “nhược tiểu” tự đánh giá mình kém cỏi bằng một giọng phát âm “chuẩn” hay không “chuẩn”.
Hãy cứ mạnh dạn nói tiếng Anh đi, tiếng “bồi” cũng được, rồi dần dần bạn sẽ thành thạo. Hãy cứ thoải mái giao tiếp bằng tiếng Anh đi dù bạn nói có không hay. Cô cứ mạnh dạn dạy học trò biết tiếng Anh đi, đừng “lăn tăn” mình nói chuẩn hay không chuẩn vì ít nhất các em sẽ được cô dạy một cách tự tin. Cha mẹ cũng hãy mạnh dạn tiết kiệm hàng triệu đồng một tháng thay vì tốn tiền cho con học tiếng Anh với tây đi, dành tiền đó đầu tư cho con học với thầy cô giỏi. Các cán bộ nhân viên cũng đừng mặc cảm là phải học cho đến khi nào nói “chuẩn” thì mới dám dùng.
Hãy tự tin lên, dù cho tiếng Anh chúng ta nói có là Ving-lish (Vietnamese English) đi chăng nữa, vì sẽ có một ngày chúng ta thực sự gia nhập thế giới nói tiếng Anh của một nước phát triển như Singapore nơi người ta nói tiếng Sing-lish (Singaporean English); của cường quốc quân sự, văn hóa như Ấn Độ nơi hơn một tỷ người nói tiếng Ing-lish (Indian English). Hãy cứ làm được như thế đã, trước khi mơ về cái gọi là tiếng “chuẩn”.
Nguyễn Quốc Toàn
Có rất nhiều ý kiến phản đối bài viết này, cho rằng tác giả đánh giá sai về tầm quan trọng của việc phát âm (http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/dinh-kien-chet-nguoi-khi-hoc-tieng-anh-3007978.html).
Tôi gõ nhanh một vài dòng như sau:
Tôi gõ nhanh một vài dòng như sau:
- Trước tiên người học phải hiểu rõ khái niệm phát âm chuẩn. Chuẩn ở đây là đúng theo tiêu chuẩn, chứ không phải “chuẩn” là hay hoặc không hay. Theo tiêu chuẩn nào, xin thưa là chuẩn Anh hoặc chuẩn Mỹ. Sao lại là Anh or Mỹ ? Vì là tiếng của họ nên phải theo họ, đơn giản vậy thôi. (trên thực tế có khá nhiều models of English pronunciation, ex Australian English, Canadian English and New Zealand English…)
Ví dụ từ Think, nếu đọc “chuẩn” thì phải là Think (θɪŋk) nhưng người Ấn và Philipin hay đọc là Tink (replace <th> with <t> sound) (Không có từ điển nào phiên âm là tink cả, trừ từ điển của người Ấn), nên cái này là “không chuẩn”.
Nhắc lại: Chuẩn ở đây là tiêu chuẩn, không bàn đến chuyện hay hoặc không hay.
- Thứ 2, cái gọi là standard pronunciation (1) liên quan mật thiết đến accent của tiếng mẹ đẻ. Người Ấn, Phil, Nhật, Hàn, Sing có cái khổ là phát âm tiếng mẹ đẻ càng chuẩn thì phát âm tiếng Anh càng lệch chuẩn (ví dụ phần 1). Tuy nhiên ngôn ngữ là thứ biến thể theo xã hội, cả làng cả nước tớ nói thế chả nhẽ tớ nói khác. Đến lúc này thì “tiêu chuẩn Anh-Mỹ” đã phải-bị-được chuyển thành “tiêu chuẩn Ấn, Phil, Nhật, Hàn, Sing…” để đạt được hiệu quả giao tiếp trong môi trường xã hội đó. Điều này dẫn đến cái gọi là broken English, bamboo English (Inglish-Indian English, hoặc Singlish…)
Những khái niệm này không phải của người Sing người Ấn, mà là do phương Tây đặt ra do họ coi loại TA đó là không phải “chuẩn”. Tuy nhiên, chính thứ Broken English đó lại là “chuẩn”, là “standard” tại nước sở tại. Nếu bạn nói TA theo accent Anh-Mỹ tại Phil sẽ bị coi là showing off và khó đạt hiệu quả giao tiếp do người ta không hiểu bạn đang nói cái gì ???
Cá nhân tôi vẫn rất thích bài viết của thầy Toàn, vì nó đánh vào yếu tố Comprehensibility (being understood). Bài viết nhấn mạnh đến hiệu quả giao tiếp của người học TA, rằng hay hoặc không hay không quan trọng bằng hiểu hoặc không hiểu. Điều này hoàn toàn đúng đắn.
Tuy nhiên nếu đọc không kỹ thì chúng ta dễ hiểu sai ý của tác giả, cho rằng người viết ca ngợi TA bồi và coi nhẹ việc phát âm. Tôi thấy không phải như vậy.
Xin phép được cóp nhặt những gì tâm đắc nhất trong bài viết của thầy Toàn: Hãy tự tin lên, hãy cứ mạnh dạn nói tiếng Anh đi, tiếng “bồi” cũng được, rồi dần dần bạn sẽ thành thạo. Hãy cứ thoải mái giao tiếp bằng tiếng Anh đi dù bạn nói có không hay. Đừng mặc cảm là phải học cho đến khi nào nói “chuẩn” thì mới dám dùng.
Ngô Mạnh Linh
* Viết ngày 24/6/2014.
No comments:
Post a Comment