Từ cái cúi đầu của ông giám đốc hãng xăng Nhật Bản, nhớ về những lời cảm ơn của ông Mai Đức Chung

Trong hơn 3 phút phỏng vấn ngắn ngủi sau trận đấu cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên đội tuyển bóng đá nam quốc gia tối hôm qua, ông nói cảm ơn 7 lần, và câu trả lời nào của ông cũng bắt đầu bằng chữ “Vâng”. *

Ảnh: Dân trí

Người Nhật tự hào về văn hóa cúi đầu, “cúi càng sâu thì lưng càng thẳng”, còn với người Việt Nam, cúi đầu lại là thể hiện sự hạ mình và thua thiệt, thế nên chúng ta “xôn xao” và thấy lạ lùng khi nhìn hình ảnh các em học sinh ở một trường của TP Hồ Chí Minh cúi chào bác bảo vệ khi đến lớp.

Ta tự hào về mấy ngàn năm văn hiến, nhưng chẳng mấy khi nói với nhau những lời cảm ơn. Với những ai từng có thời gian sống ở nước ngoài, chắc hẳn là rất quen thuộc với việc nói cảm ơn thường xuyên với người bán hàng trong siêu thị khi mua hàng, với người tài xế lái xe taxi khi lên xuống xe, với người lễ tân khi làm các thủ tục, với bất kỳ người nào dù xa lạ hay thân quen, khi họ làm một việc dù to hay nhỏ cho mình. Những điều này ở Việt Nam, dường như lại là thiểu số, lại quá xa lạ.

Ảnh: Soha

Hôm nay là ngày 13/10, ngày tôn vinh doanh nhân Việt Nam, và tôi tình cờ đọc được một status đang được cho là gây bão trong cộng đồng mạng bàn về văn hóa cúi đầu của người Nhật. Bài viết của một cá nhân được cho là chủ một doanh nghiệp lớn, được cả ngàn like. Bài viết có một chi tiết làm tôi chú ý, đó là việc coi hành động cúi đầu của ông giám đốc khi đón khách vào mua xăng "âu cũng là bình thường", và so sánh hành động đó giống như "bà bán bún mua gói kẹo chia cho các cháu". Tôi không rõ trong những người ấn like ủng hộ đó, có bao nhiêu người là doanh nhân. Nhưng thôi, vì đây là quan điểm cá nhân, đăng trên trang cá nhân nên tôi không phán xét. 



Văn hóa Nhật Bản có câu Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu, với ý nghĩa con người khi khó khăn hãy vươn lên đứng thẳng còn khi thành công hãy biết cách cúi đầu.

Nguồn: traumvietnam

Có thể là một đề xuất rất ngớ ngẩn thôi, rằng thay vì treo băng rôn phản đối Uber, Grab, tại sao ông chủ hãng taxi Việt Nam không cúi mình xin lỗi vì lâu nay đã buông lỏng quản lý khiến người dân mất niềm tin, và xin người dân hãy độ lượng bỏ qua và cho họ thêm một cơ hội để sửa sai và làm tốt hơn. Tôi không biết hiệu quả của việc này ra sao, nhưng ít nhất trong cuộc đời này dù bạn có thua, bạn vẫn phải khẳng định rằng mình tử tế.

Cách đây ít hôm, hình như vào đúng đêm trung thu thì phải, trên facebook của diễn đàn Otofun có đăng tải một lời xin lỗi của một người phụ nữ vì vội vàng lưu thông trên đường mà tạt nước vào người khác. Tại sao phải xin lỗi công khai trên mạng khi mà xã hội ngoài kia đâu có biết chị ấy là ai, làm gì, và hàng ngày có cả nghìn tình huống như vậy xảy ra? Tự nhiên đưa mặt mình lên xin lỗi, nhỡ đâu lại bị người ta chê cười, chửi bới, rồi xấu mặt thì sao?

Nhưng không, lời xin lỗi chân thành được cả nghìn lượt like, chia sẻ, ủng hộ. Tôi tin rằng người nói lời xin lỗi hôm ấy, và cả người được xin lỗi, đều quên đi những gì đã xảy ra và cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Nguồn: Zing.vn

Nói về văn hóa Việt Nam, nhiều người thích văn hoa, đao to búa lớn về trăm ngàn thứ. Nhưng với cá nhân tôi, điều làm tôi tự hào về đất nước chính là cái cách chúng ta dễ cảm thông và bỏ qua cho nhau, nếu nhận ra được sự chân thành, rằng “đánh kẻ chạy đi, ai đánh người chạy lại”.

Chỉ một hành động cúi đầu nhưng nó chứa đựng sự văn minh của một nền văn hóa không quá nhiều lời như trên băng rôn, khẩu hiệu. Nếu chưa thể cạnh tranh bằng kinh tế, hãy mạnh dạn thay đổi để cạnh tranh sòng phẳng bằng văn hóa. Biết đâu đấy, mọi chiến lược kinh doanh tính toán chi li lại không hiệu quả bằng việc bắt đầu nói lời xin lỗi và cảm ơn nhau.

Ngô Mạnh Linh

* Clip ông Mai Đức Chung cảm ơn sau trận đấu: https://www.baomoi.com/hlv-mai-duc-chung-lien-tuc-cam-on-hoc-tro-va-nguoi-ham-mo/c/23521113.epi

* Báo Thanh Niên đăng lại bài viết này của tôi ngày 15/10, tuy nhiên hơi đáng tiếc vì đã biên tập lại một số ý: https://thanhnien.vn/thoi-su/chao-buoi-sang/tu-cai-cui-dau-den-loi-cam-on-890323.html

1 comment: